Trải nghiệm về việc làm luận văn

 TRẢI NGHIỆM VỀ VIỆC LÀM LUẬN VĂN 

Bài viết này dành cho những bạn sinh viên học Nông Lâm nói riêng cũng như những bạn chuẩn bị làm luận văn nói chung, đang phân vân về việc có nên làm luận văn trong năm cuối hay không? Nói ngắn gọn thì, mình không có câu trả lời cụ thể cho các bạn, tuy nhiên mình sẽ nói về trải nghiệm của mình, để các bạn tự đưa ra câu trả lời cho chính các bạn. 

 

Hồi mình chọn làm luận văn, thật sự mình chỉ đơn giản muốn được trải nghiệm cảm giác mới mẻ hơn là việc chỉ ngồi và học như các năm trước. Lúc đó thât sự không có ai chia sẻ cho mình biết trải nghiệm như thế nào, nên giờ đây mình muốn viết chia sẻ của mình để cho những bạn trẻ về sau thấy trước được con đường và đưa ra lựa chọn phù hợp hơn cho bản thân. 

Trước tiên, cần phải cho các bạn hiểu rằng: Luận văn tốt nghiệp ? 

Đối với trường Nông Lâm TPHCM, trong học kỳ hai năm 4, các bạn sẽ hai lựa chọn: 

  • - Học các môn học thay thế với tổng số chỉ ít nhất là 10 chỉ. 

  • - Thực hiện làm luận văn tốt nghiệp (khóa luận tốt nghiệp) 10 chỉ. 

  1. Học môn học thay thế: Với lựa chọn này, các bạn sẽ được học các môn sử dụng những framework phù hợp với việc đi làm sau này của các bạn hơn. Đồng nghĩa với việc, sau khi học và thi xong, các bạn có thể dùng kiến thức đó để làm fresher được luôn. (Trường của mình chuyên về Web) 

Một điểm lợi nữa là, các bạn sẽ được thi xong và đi làm sớm hơn so với việc làm luận văn. Như bản thân mình sau khi bảo vệ luận văn xong, thì các bạn của mình đã đi làm trước từ hai tuần đến một tháng, với kiến thức đã học có sẵn. 

  1. Làm luận văn tốt nghiệp: Đây sẽ là phần chính mình chia sẻ, vì đó là con đường mình lựa chọn mà hehe. 

Làm luận văn gồm có các quá trình như sau 

  • Giai đoạn 1. Xét duyệt đề cương chi tiết: Đề cương ở đây nghĩa là một mô tả về đề tài bạn sẽ làm, những công nghệ bạn sử dụng, kết quả bạn đạt được. Sau khi nộp đề cương, các giảng viên sẽ xem xét hướng đề tài của bạn có tốt hay không để chấp nhận cho bạn làm. (Trường hợp không chấp nhận, khoa sẽ hỗ trợ bạn đăng ký học thay thế) 

  • Giai đoạn 2. Tiến hành nghiên cứu và thực hiện: Ở giai đoạn này, bạn và partner của bạn sẽ nghiên cứu lý thuyết, công nghệ, và tiến hành bắt tay xây dựng, hiện thực những gì mình làm. Đây là giai đoạn khó khăn và dễ bỏ cuộc nhất, vì nó giống việc bạn đang đứng giữa sa mạc vậy, không xác định rõ hướng đi của mình. 

  • Giai đoạn 3. Viết tài liệu: Sau khi bạn đã nghiên cứu và xây dựng hoàn chỉnh, bạn chỉ cần viết tài liệu để mô tả lại những gì bạn đã làm. Tuy ở giai đoạn này, bạn đã hoàn thành sản phẩm và xác định cụ thể những gì cần làm, nhưng việc viết tài liệu cũng tốn khá nhiều thời gian, công sức và sự trau chuốt. (Yêu cầu tối thiểu viết tài liệu là 90 trang không bao gồm phụ lục và bìa mục lục. Tài liệu mình đã làm dài tổng cộng khoảng 170 trang) 

  • Giai đoạn 4. Phản biện: Giai đoạn này, bạn sẽ trình bày đề tài của mình cho duy nhất một giảng viên trong khoảng thời gian là hai tiếng. Trong thời gian này, bạn cần phải cho giảng viên hiểu rõ bạn làm những gì, các bước ra sao, thuyết phục giảng viên rằng đề tài của bạn tốt (việc tốt hay không cũng một phần lớn phụ thuộc vào việc bạn chọn đề tài nào). Cuối giai đoạn phản biện, giảng viên sẽ cho bạn vài câu hỏi, và những câu hỏi này sẽ phải trả lời trong buổi bảo vệ. 

  • Giai đoạn 5. Bảo vệ: Đây là giai đoạn bạn phải bảo vệ đề tài của mình trước hội đồng (Một hội đồng gồm ba giảng viên sẽ chấm bài cho bạn, trong khoảng thời gian trung bình là 30 phút). Khác với phản biện, bạn chỉ nên trình bày những ý chính trong đề tài của bạn, không nên trình bày lan man. 

Mình đã giải thích các bước cơ bản rồi, bây giờ mình sẽ nói về trải nghiệm của mình nhé 

Đề tài của mình và bạn mình làm là: “Nghiên cứu thuật toán Glove Embedding áp dụng vào bài toán Sentiment Analysis cho Website bán hàng” 

Và đây là điểm số của mình và bạn mình sau hơn nửa năm cố gắng 😆 ! 

 

Tụi mình không tự nhận là quá tốt vì đề tài còn một số thiếu sót, tuy nhiên điểm số đó chính là tất cả công sức nỗ lực của hai đứa mình để đạt được, và nó rất đáng. 

Các bạn còn đang thắc mắc rằng Glove Embedding rồi Sentiment Analysis là cái thứ gì nghe lạ nhể? Để mình chia sẻ hành trình của mình rồi tiện giải thích luôn nhé. 

Hành trình làm luận văn của mình! 

Bắt đầu từ một lựa chọn mông lung: Trước khi mình chọn làm luận văn, không như mọi người nghĩ, bản thân mình thật sự rất mơ hồ. Chính partner của mình chủ động liên lạc với mình hỏi làm luận văn (Lúc đó kể cả bạn đó cũng phân vân không biết có nên làm hay không). Mình đã nhờ sự trợ giúp của một thầy trong khoa để đưa ra hướng đề tài nào là ổn. Kể cả khi vẫn cảm giác chưa sẵn sàng, mình vẫn lựa chọn làm luận văn. Vì sao ư? Có lẽ quyết định xuất phát từ tính cách của bản thân mình khá nhiều, là một người thích làm những chuyện mới lạ và mang một chút tính mạo hiểm.  

 

Đề tài "đặc biệt” hơn bình thường: Khác với các nhóm khác, họ sử dụng Java và các công nghệ rất phù hợp cho quá trình xin việc sau này, nhóm mình lại lựa chọn làm về AI - Trí tuệ nhân tạo, đồng thời viết code xây dựng AI và Web bằng ngôn ngữ Python. Đây là một thách thức khá lớn, vì nhóm của tụi mình sẽ xây dựng một AI có khả năng đọc được cảm xúc của khách hàng dựa trên bình luận của họ, và ứng dụng trên Website để con AI ấy có thể hiểu cảm xúc khách hàng và thống kê thành các biểu đồ. Đề tài rất hay, nhưng khó khăn ở đây là tất cả mọi thứ đều rất mới, gần như không có lợi thế nào liên quan đến những kiến thức sẵn có của mình: Python tụi mình chưa từng đụng bao giờ, nói gì đến Python xây dựng cả một website bán hàng. Về AI thì gần như các kiến thức AI mình từng học được chỉ giúp ích rất rất nhỏ cho đề tài đợt này, vì AI đợt này liên quan đến việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên, một nhánh rất rộng của AI. Các thuật toán đều chưa từng học qua, nào là Glove, Word2Vec, BoW, RNN, LSTM. Vả lại, sau khi làm xong, những kiến thức này không hề được sử dụng cho công việc sau này. 

 

Quá trình học gian nan: Khi làm khóa luận, bạn không được chỉ dạy, mà phải tự nghiên cứu tất cả mọi thứ. Với tụi mình thì phải nghiên cứu từ đầu vì không có kiến thức cơ sở của bất kỳ thứ gì cả. Cũng may mắn partner của mình là một người khá cố gắng, và làm việc nghiêm túc, nên giúp mình có thêm động lực hơn. Nửa thời gian đầu vì đợt dịch nên tụi mình đã phải hẹn call meet thường xuyên, để nhắc nhở lẫn nhau tập trung vào đề tài, tránh xao lãng. 

Những khó khăn gặp phải: Điều khó khăn nhất của mình chắc là hai tháng cuối khi mình và bạn mình đã gặp được trực tiếp và hẹn nhau làm bài chung. Càng gần về cuối, tụi mình càng gặp nhau thường xuyên và làm càng nhiều hơn . Trong khoảng thời gian đó, bạn bè tụi mình đã bắt đầu đi làm và được làm chính thức. Tụi mình còn gặp vấn đề về chỗ học tập, vì thư viện trường mình đóng cửa, và tụi mình không đủ chi phí để có thể ngồi ở quán mỗi ngày trong hai tháng liền (Bạn thử tưởng tượng tiền ăn trưa + tiền quán nước mỗi ngày khoảng 50 nghìn, 2 đứa là 100 nghìn, trong suốt 60 ngày là sẽ rơi vào khoảng tầm 6 triệu. Chưa kể tiền thuê dịch vụ google colab rồi google drive các thứ). Tụi mình đã phải dành ra một tuần tìm mọi vị trí ở thành phố, cũng như tính toán mọi khoản chi phí để tiết kiệm nhất. Tạ ơn chúa, mình đã được học nhờ tại khu tự học trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, đăng ký gói mạng rẻ nhất, sử dụng các app đặt đồ ăn để tiết kiệm chi phí ăn uống nhất (Từ đó mình thành thần deal đại hiệp, ngày nào học cũng săn deal đồ ăn 😆). Trong tháng đầu tiên, tụi mình học nhóm từ 9h sáng đến 5h chiều, và sau đó dần dần kéo dài thành 7h tối, có khi về nhà tắm rửa lẹ rồi lên máy tính làm tiếp. Nhiều chuyện xảy ra khiến mình bắt đầu cảm thấy áp lực ngày càng lớn dần: Liệu mình chọn làm đồ án có đúng không? Sau này liệu có công ty nào nhận mình không? Làm xong mình phải mất bao lâu để học lại từ đầu?...  

 

Những giá trị nhận được: Tuy khó khăn rất nhiều, nhưng quá trình đó cho mình rất nhiều trải nghiệm và bài học. Làm việc nhiều khiến mình cảm giác siêng hơn xưa, đến tận bây giờ mình vẫn còn thích cảm giác ngồi ngoài quán học bài hơn là ở nhà nằm một chỗ. Đồng thời, mình có niềm tin rằng mình có thể làm bất kỳ thứ gì, dù có bắt đầu bằng con số 0. Mình cũng hiểu rõ hơn một quy trình nghiên cứu cần phải biết phân tích đề tài, lựa chọn công nghệ, lựa chọn hướng tiếp cận thế nào là phù hợp.  

 

 

Tổng kết lại: Trải nghiệm nghiên cứu là một trải nghiệm quý báu, thay đổi rất nhiều cách nhìn của mình đối với bản thân. Theo bản thân mình, giá trị về tư duy sẽ có ích cho bản thân mình rất nhiều khi đi đường dài, so với lợi ích ngắn hạn như kiến thức về công nghệ. Lựa chọn làm luận văn có thể đặt bản thân bạn vào một môi trường khó và gay gắt hơn, tuy nhiên bước vào môi trường khắc nghiệt là một cách tốt nhất để bạn trưởng thành. Nếu bạn cảm thấy khó thay đổi bản thân, hãy thay đổi môi trường xung quanh bạn, bạn cũng sẽ ảnh hưởng theo môi trường đó! 

(À mà cái này đúng khi kiếm partner tốt nha, chứ kiếm partner bỏ ngang là thành trải nghiệm tồi tệ đến ám ảnh luôn, thật đấy =)) ) 

Bài viết thuộc về Lê Công Diễn. Mang đi nhớ ghi nguồn! 

Nhận xét

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Ngùi ngùi nhớ lại chuyện xưa
    Bao nhiêu khoảnh khắc buổi xưa ùa về
    Khó khăn như ngủ cơn mê
    Ngồi đây đọc lại nhiều bề vui thay
    Vui vì buổi khó hết rồi
    Ngùi vì nhớ cảnh buổi rồi vấn vương
    Bảo nhau qua hết đoạn đường
    Nhiều điều gian khó tìm phương qua lần
    Bước đầu gian khó nhiều phần
    Này là áo mới nhìn gần đẹp thay
    Nào ai rõ được mùi cay
    Xé ran đầu lưỡi chau mày lướt qua
    Đến ngày quả ngọt thành quà
    Ngọt thơm êm dịu khó qua mùi này
    Cảm ơn dìu dắt cầm tay
    Cảm ơn cùng đã đêm ngày vượt qua

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Deploy project Springboot MIỄN PHÍ sử dụng Render

Ứng dụng Mã hóa bất đối xứng (Asymmetric cryptography) vào Chữ ký số (Digital Signature)

API và HTTP - Một số khái niệm cơ bản cần biết về Web (Phần 2)