Có thật sự là chúng ta lười biếng?

     Có thật sự là chúng ta lười biếng? 

Tại sao có những thời điểm chúng ta chăm chỉ, còn có những thời điểm chúng ta lười biếng. Và có thật sự rằng chúng ta lười biếng hay không? Khi nào thì được gọi là lười biếng?


Lười biếng (Nguồn: Freepik)

Lười biếng là gì?

Trong bài viết The Conception of Laziness and the Characterisation of Others as Lazy của tác giả Thomas Madsen, có một đoạn ví dụ khá thú vị:

Ví dụ như nếu một cô gái không hoàn thành bài tập, mọi người sẽ xem cô gái ấy là lười biếng.

 Thử tự hỏi xem tại sao? Nếu cô gái không hoàn thành bài tập vì buồn do ông nội mất, thì phần lớn người sẽ đồng cảm và không coi đó là lười biếng. Nhưng nếu cô gái không hoàn thành bài tập  vì chơi game suốt đêm, sẽ bị coi là lười biếng. 

Tuy nhiên, nếu hỏi kỹ tại sao cô gái đó lại bị thu hút và nỗ lực với trò chơi hơn là làm bài tập, có thể là do cô ấy cảm thấy cô đơn và không kết bạn được với ai ở trường, thì điều đó sẽ làm phần lớn người khác đồng cảm hơn.

Như các bạn thấy, tùy vào góc nhìn chủ quan, thì có thể hiểu rằng lười biếng là khái niệm dùng chỉ trích những cá nhân thiếu nỗ lực và không đạt được mong đợi của họ.
 Sẽ tốt hơn nếu bạn có cái nhìn sâu sắc về lý do một người không dành nhiều nỗ lực cho công việc nào đó, và cố gắng giúp đỡ, giải quyết vấn đề, thay vì việc chỉ trích họ lười biếng.


Góc nhìn của mỗi người là khác nhau (Nguồn: iStock)


Như vậy không ai trong chúng ta lười biếng ư?

Trong bài viết All About Laziness: What Causes It and What to Do About It của tác giả Markham Heid và trích bài luận The Myth of Laziness từ cuốn sách Laziness Does Not Exist của nhà tâm lý học Devon Price, các tác giả đã nhấn mạnh rằng trong tâm lý học, người ta không dùng thuật ngữ lười biếng (laziness), mà dùng thuật ngữ sự trì hoãn (procrastination). Vì "lười biếng" là sự đánh giá, suy nghĩ mang tính chủ quan của con người. Có thể rằng, năng suất công việc trong hôm nay của bạn, bản thân bạn xem đó là sự chăm chỉ, nhưng với góc nhìn người khác, đó lại là sự lười biếng.

Vậy thì, nếu bạn đang tìm hiểu về chủ đề này giống mình, nếu không phải vì vấn đề sức khỏe hoặc tâm lý, thì chúng ta có thể đang trong trạng thái trì hoãn.

Trì hoãn... là gì?

Theo Wikipedia EN, trì hoãn là hành động tạm gác qua, hoãn lại công việc một cách tự nguyện, mặc cho biết rằng điều đó sẽ gây ra chuỗi những hậu quả tiêu cực sau này. Từ procrastinate là từ tiến hóa từ hai từ prefix là pro- nghĩa là tiến về phía trước, và suffix -crastinus, nghĩa là của ngày mai, thuộc về ngày mai.

Nguyên nhân nào khiến con người ta có sự trì hoãn dẫu biết rằng nó mang lại kết quả tiêu cực?

“Mọi người thường nghĩ rằng sự trì hoãn là vấn đề về kỹ năng quản lý thời gian, nhưng thực ra là vấn đề về kỹ năng quản lý cảm xúc”. Nhà tâm lý học Pychyl nói thêm rằng: “Suy nghĩ về việc hoàn thành công việc nào đó mang đến sự lo âu cho bản thân hoặc sự khó chịu nào đó, và vì vậy con người thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực đó bằng cách trì hoãn công việc của mình.” (trích dịch)


Sự trì hoãn liên quan đến cảm xúc bản thân (Nguồn: iStock)

Như vậy, trì hoãn xuất phát từ nỗi sợ của bản thân khi phải đối mặt với công việc nào đó. "Đó là một cơ chế bản năng sinh tồn tự nhiên để giúp cơ thể chống lại các căng thẳng, lo âu" - trích trang Portage. Đó là bản năng vốn có tự nhiên của con người.

Nhà tâm lý học Pychyl có nói thêm rằng: "Trẻ em sống theo nguyên tắc thỏa mãn niềm vui", chính vì vậy sẽ khó để những đứa trẻ chịu tập trung học hành, đặc biệt những hoạt động đó được xem như là "những công việc khiến chúng không cảm thấy tự nhiên", không thỏa mãn được cảm xúc thích thú của chúng.

Ngoài ra, việc trì hoãn có thể xuất phát từ thói quen. Tiến sĩ Wendy Wood có nói rằng "Thói quen xuất phát từ việc lặp đi lặp lại những hành động gây nghiện tức thời". Tạm gác đi việc cần làm mang lại cảm giác gây nghiện và thích thú. Chính sự thích thú ấy là sự trì hoãn, và sự trì hoãn ấy cũng có hiệu ứng tuyết lăn (snowball effect). 



Hiệu ứng tuyết lăn (Snowball effect) (Trích dịch Wiki EN): Là một quá trình xuất phát từ một trạng thái nhỏ, phát triển dần dần dựa trên chính nó, trở nên ngày càng lớn dần đến mức nguy hiểm hoặc thảm họa (tạo ra một vòng luẩn quẩn)

Kết luận: Như vậy là chúng ta đã hiểu được bản chất của việc trì hoãn có liên quan mật thiết đến cảm xúc cá nhân. Đó chính là lý do vì sao có những giai đoạn bản thân siêng năng một cách đột xuất, có những giai đoạn bản thân chẳng muốn làm gì cả. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ nghiên cứu về một số cách để hạn chế sự trì hoãn của bản thân nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết tâm huyết này của mình!

Tài liệu tham khảo:

[1] Thomas Madsen, The Conception of Laziness and the Characterisation of Others as Lazy, 2018 

[2] Markham Heid, All About Laziness: What Causes It and What to Do About It, 2022

[3] Devon Price, Laziness Does Not Exist, 2018

[4] Portage, Taking a different view of procrastination, 2018

[5] Wikipedia

 

Người viết: Lê Công Diễn

Mang đi nhớ ghi nguồn




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Deploy project Springboot MIỄN PHÍ sử dụng Render

Ứng dụng Mã hóa bất đối xứng (Asymmetric cryptography) vào Chữ ký số (Digital Signature)

API và HTTP - Một số khái niệm cơ bản cần biết về Web (Phần 2)